CHƯƠNG TRÌNH
HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI
CÔNG ĐOÀN NGÀNH Y TẾ THÁI BÌNH LẦN THỨ XVIII
NHIỆM KỲ 2018 – 2023
Đại hội Công đoàn ngành Y tế Thái Bình lần thứ XVIII tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh Thái Bình. Để đưa Nghị quyết Công đoàn ngành Y tế Thái Bình lần thứ XVIII trở thành phong trào hành động trong các cấp công đoàn và CBVC-NLĐ trong Ngành Y tế Thái Bình, Ban Chấp hành Công đoàn ngành xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với những mục tiêu, nội dung và giải pháp như sau:
I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
- Mục tiêu:
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Công đoàn, thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động, nâng cao bản lĩnh chính trị, có trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn giỏi, có kiến thức pháp luật và xã hội, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ tốt, có đạo đức và lương tâm nghề Y trong sáng, có tác phong làm việc nghiêm túc, có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành; xây dựng và tổ chức thực hiện sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước trong CNVC-NLĐ ngành Y tế Thái Bình; xây dựng tổ chức công đoàn ngành vững mạnh tiêu biểu.
- Một số chỉ tiêu phấn đấu:
2.1. Nhóm chỉ tiêu Công đoàn thực hiện
– 100% cán bộ, công chức, viên chức, lao động đủ điều kiện được tuyên truyền, kết nạp vào tổ chức Công đoàn.
– Trên 90% nữ CNVC-NLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, thực hiện tốt “5 không, 3 sạch” và chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
– Từ 90% CĐCS trở lên đạt tiêu chuẩn CĐCS vững mạnh.
– 100% cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn từ tổ trưởng tổ công đoàn, ủy viên UBKT công đoàn các cấp được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn.
– Trên 95% CĐCS duy trì phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại đơn vị và tham gia giải cấp ngành, tỉnh và khu vực.
– 100% CĐCS thường xuyên thực hiện công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng kết nạp.
– Thành lập từ 01 Công đoàn cơ sở trở lên.
2.2. Nhóm chỉ tiêu công đoàn tham gia phối hợp thực hiện
– Hàng năm, có 100% các đơn vị sự nghiệp, trên 90% doanh nghiệp, công ty cổ phần tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động theo Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015, Nghị định 60/NĐ-CP của Chính phủ về việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đảm bảo nội dung và thời gian quy định.
– 100% các đơn vị tổ chức tập huấn về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động.
– 100% đoàn viên CNVCLĐ được học tập,tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của tổ chức công đoàn và nhiệm vụ chính trị của ngành.
– Từ 95% trở lên gia đình CNVCLĐ đạt gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt đơn vị văn hóa.
– 90% trở lên CNVCLĐ được khám sức khỏe định kỳ theo quy định, được trang bị bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn cho người lao động.
– Hàng năm có trên 95% đoàn viên công đoàn đạt danh hiệu lao động tiên tiến, có 5% tham gia nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
– 100% đoàn viên đăng ký tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Đổi mới phong cách, thái độ, phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
- Chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động
– Chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở trực thuộc tổ chức phối hợp thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức hội nghị CBCC, hội nghị CBVC, hội nghị NLĐ bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Phát huy tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở các đơn vị cơ sở.
– Động viên CNVC-NLĐ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu, nghiên cứu, bổ sung và thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động . Tham gia tích cực cùng đơn vị thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
– Tham gia với Thủ trưởng đơn vị quan tâm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc của CNVC-NLĐ; tổ chức nghỉ ngơi, thăm hỏi khi đoàn viên ốm đau, gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn.
– Tổ chức thực hiện tốt Luật An toàn, vệ sinh Lao động và các văn bản hướng dẫn. Phát huy hiệu quả “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” hàng năm nhằm chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đôn đốc Thủ trưởng cơ quan, đơn vị kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bảo hộ lao động và mạng lưới an toàn vệ sinh viên; Kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Tổ chức khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho người lao động…
– Thực hiện hiệu quả việc phòng ngừa tình trạng hành hung nhân viên y tế với các giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức để quần chúng, nhân dân hiểu, chia sẽ với công việc của Ngành Y tế; Lên án các hành vi hành hung nhân viên y tế; Cung cấp kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho nhân viên y tế và giải quyết tình huống hiệu quả khi xảy ra xung đột giữa nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà người bệnh; Đề xuất Nhà nước ban hành các chế tài đủ sức răn đe, để phòng chống hiệu quả tình trạng hành hung nhân viên y tế…
– Xây dựng kế hoạch và thực hiện có hiệu quả Chương trình “Đổi mới và nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể”. Tăng cường việc tổ chức đối thoại giữa công đoàn, người lao động với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên và người lao động
– Tham gia kiểm tra, giám sát định kỳ việc thi hành pháp luật lao động; Luật cán bộ công chức; Luật viên chức, Luật BHXH…các chế độ, chính sách có liên quan đến CNVC-NLĐ.
– Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, ngày vì người nghèo, quỹ “Mái ấm công đoàn”, các hoạt động xã hội, tương thân, tương ái trong CNVC-NLĐ…
- Tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên và người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chủ trương về công tác công đoàn
– Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giáo dục phù hợp với các đối tượng, đảm bảo có sự tiếp thu và vận dụng đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến tổ chức công đoàn và CNVC-NLĐ.
– Tiếp tục tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVC-NLĐ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15- 5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Tổ chức tốt các hoạt động trong “Tháng công nhân” hàng năm.
– Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống thông qua các ngày lễ lớn.Tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nhất là những luật có liên quan trực tiếp đến CNVC-NLĐ như: Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn….
– Phát động sâu rộng phong trào học tập chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ thông tin…trong CNVC-NLĐ một cách thường xuyên nhằm góp phần nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.
– Tổ chức định kỳ và thường xuyên các hội thi, hội diễn, các hoạt động văn hóa, thể thao; phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa” nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong đoàn viên, CNVC-NLĐ.
– Triển khai và duy trì trang Website của Công đoàn ngành Y tế Thái Bình nhằm tuyên truyền, cung cấp thông tin, giao lưu trao đổi chuyên môn nghiệp vụ và phục vụ công tác quản lý của Công đoàn ngành.
– Thực hiện tốt việc vận động đoàn viên, người lao động tham gia xây dựng Đảng, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Chăm lo bồi dưỡng đoàn viên ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.
- Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội của ngành và của đất nước
– Thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước: Thi đua “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”; Thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; Thi đua “Học tập và và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Thi đua “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; Thi đua giữ gìn trật tự, an toàn cơ quan, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh – sạch – đẹp; Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác khám chữa bệnh; Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; Phong trào hiến máu nhân đạo…
– Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước; Gắn với các phong trào, các cuộc vận động khác do Đảng, Nhà nước, MTTQVN và các cấp, các ngành phát động. Phát động và tổ chức tốt các đợt thi đua gắn với các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước và của ngành.
– Thực hiện tốt Quy chế khen thưởng, cụ thể hóa tiêu chí chấm điểm thi đua phù hợp với quy định và đặc thù nhiệm vụ của ngành. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Tổ chức tốt việc sơ kết, tổng kết công tác thi đua; Khen thưởng đúng thành tích, đúng người, đúng việc, đúng quy trình, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương.
– Tích cực phát hiện những điển hình tiên tiến, nhân tố mới thông qua các phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ để có các hình thức khen thưởng đột xuất, phù hợp, kịp thời.
- Phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn
– Tập trung chỉ đạo việc đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS theo tinh thần Nghị quyết 6a/NQ-TLĐ ngày 06/01/2011 của Tổng Liên đoàn, bảo đảm thực chất về chất lượng những CĐCS đạt tiêu chuẩn “Công đoàn cơ sở vững mạnh”. Thực hiện tốt vận động phát triển đoàn viên, phấn đấu hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS vững mạnh do Đại hội đề ra.
– Kiện toàn tổ chức công đoàn cơ sở trong qúa trình sát nhập, thành lập các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
– Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo hướng sâu sát cơ sở và đoàn viên, lấy việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên làm nhiệm vụ trọng tâm; thực hiện có nề nếp và từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề.
– Định kỳ hàng năm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho cán bộ CĐCS nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động.
- Công tác nữ công
– Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ; Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn về “Công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Chỉ thị số 03/CT-TLĐ của Tổng Liên đoàn về “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
– Tiếp tục tuyên truyền, học tập và thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; chương trình mục tiêu quốc gia về dân số – kế hoạch hoá gia đình; công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho nữ CNVCLĐ, phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội.
– Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 hàng năm với nội dung thiết thực, thu hút đông đảo nữ CNVC-NLĐ tham gia.
– Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công công đoàn các cấp, đảm bảo vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ CNVC-NLĐ; tham mưu cho ban chấp hành công đoàn cùng cấp về công tác vận động nữ CNVC-NLĐ, những vấn đề về giới, bình đẳng giới, cán bộ nữ, dân số – kế hoạch hóa gia đình.
– Tham gia xây dựng, hoàn thiện, triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát việc chấp hành luật pháp, chính sách nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CNVC-NLĐ, nhất là ở những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp doanh nghiệp có đông nữ CNVC-NLĐ. Chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động “Tháng hành động vì trẻ em”, “Ngày gia đình Việt Nam”, “Tháng hành động quốc gia về dân số”.
– Ban nữ công công đoàn cấp cơ sở xây dựng chương trình công tác phù hợp và tổ chức thực hiện đạt kết quả. Thực hiện tốt công tác tham mưu cho BCH công đoàn cơ sở về công tác vận động nữ CNVC-NLĐ, những vấn đề về giới, cán bộ nữ, dân số-gia đình, sự tiến bộ phụ nữ; đại diện cho nữ CBCCVC tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em. Tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
- Công tác kiểm tra và hoạt động của Ủy ban Kiểm tra
– Ban Chấp hành công đoàn các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra công đoàn theo quy định của Điều lệ; chỉ đạo Ủy ban kiểm tra cấp mình thực hiện công tác kiểm tra theo Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của tổ chức công đoàn để ngăn ngừa vi phạm, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm của tổ chức và đoàn viên.
– Hàng năm Ủy ban kiểm tra xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tham mưu cho BCH công đoàn cùng cấp chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của công tác kiểm tra công đoàn.
– Chú trọng tổ chức tốt việc kiểm tra đồng cấp về chấp hành Điều lệ, công tác tài chính, tài sản của công đoàn.
- Công tác tài chính
– Các cấp công đoàn hàng năm thực hiện nghiêm túc việc dự toán, quyết toán kinh phí công đoàn theo quy định. Việc quản lý, thu chi tài chính công đoàn thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.
– Tăng cường theo dõi, đôn đốc việc trích nộp kinh phí công đoàn; thu nộp đoàn phí công đoàn đúng quy định. Chi tiêu tiết kiệm, chống các hiện tượng lãng phí gây thất thoát trong quản lý tài chính. Đồng thời, tranh thủ các nguồn thu khác để bổ sung cho hoạt động công đoàn.
Kiện toàn, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý tài chính công đoàn các cấp, nhất là cấp cơ sở.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Ban Chấp hành Công đoàn ngành Y tế Thái Bình:
– Tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội trong CĐCS trực thuộc.
– Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong từng thời gian, tránh dàn trải; tập trung tham gia giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của đoàn viên, CNVC-NLĐ; khắc phục bệnh quan liêu, hành chính trong hoạt động công đoàn.
- Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành:
– Tổ chức triển khai đến CNVC-NLĐ và căn cứ vào Chương trình hành động của Công đoàn ngành cụ thể hoá thành nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của cấp mình để tổ chức thực hiện.
– Định kỳ hằng năm sơ kết, báo cáo kết quả thực hiện chương trình hành động về Công đoàn ngành./.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Ngành Y tế Thái Bình lần thứ XVIII, Nhiệm kỳ 2018-2023